Chiều 22.2.2024, tại TP.Huế, Viện Đào tạo mở và Công nghệ thông tin - Đại học Huế đã tổ chức Hội thảo Triển khai đào tạo từ xa (theo Thông tư 28/2023/BGDĐT) với sự tham gia của 3 cơ sở đào tạo từ xa có quy mô lớn của cả nước, đều thuộc 3 Đại học vùng là Viện Đào tạo mở và Công nghệ thông tin trực thuộc Đại học Huế; Trung tâm Đào tạo Từ xa trực thuộc Đại học Thái Nguyên và Trung tâm Đào tạo thường xuyên trực thuộc Đại học Đà Nẵng.

PGS.TS. Nguyễn Hoàng Sơn, Viện trưởng Viện Đào tạo mở & CNTT - Đại học Huế trình bày diễn văn khai mạc Hội thảo

Tham dự có PGS.TS. Nguyễn Anh Dũng, Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học, Bộ GD&ĐT; TS. Đỗ Thị Xuân Dung, Phó Giám đốc Đại học Huế; TS. Bùi Văn Lợi, Phó Giám đốc Đại học Huế; lãnh đạo các Ban: Đào tạo & CTSV, Thanh tra & Pháp chế, Đại học Huế; Ban lãnh đạo, cán bộ, giảng viên của 3 đơn vị Đào tạo từ xa nêu trên.

PGS.TS. Nguyễn Anh Dũng, Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học, Bộ GD&ĐT phát biểu tại Hội thảo


Hội thảo triển khai đào tạo từ xa theo Thông tư 28/2023/TT- BGDĐT ngày 28.12.2023 của Bộ BGDĐT ban hành Quy chế đào tạo từ xa trình độ đại học có hiệu lực ngày 12.2.2024 thay thế Thông tư 10/2017/TT- BGDĐT.

Đây là cơ hội để 3 cơ sở đào tạo ngồi lại, cùng thảo luận, đánh giá thực trạng công tác tổ chức đào tạo từ xa trình độ đại học, chỉ ra những cơ hội và thách thức khi thực hiện Thông tư 28/2023. Cùng nhau đưa ra các giải pháp nâng cao chất lượng đào tạo; tiếp tục quảng bá, nhân rộng phương thức đào tạo từ xa, tiếp tục mang lại cơ hội học tập cho mọi người, hiện thực hóa chủ trương của Đảng và Nhà nước về xây dựng xã hội học tập.

Đào tạo từ xa là phương thức đào tạo linh hoạt, đem đến cơ hội học tập cho mọi người, nhằm mục tiêu nâng cao dân trí, góp phần đào tạo nguồn nhân lực đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế xã hội của đất nước. Vì vậy. đối tượng của ĐTTX là mọi người có nhu cầu học tập, đặc biệt là người lao động và nhân dân ở những vùng có điều kiện kinh tế xã hội khó khăn như vùng núi, vùng sâu, vùng xa.

Với ưu thế vượt trội so với phương thức đào tạo truyền thống,hình thức ĐTTX chủ yếu dành riêng cho các đối tượng vừa làm vừa học, đồng thời là cơ hội học tập cho các bạn đã tốt nghiệp THPT không có điều kiện tham gia kỳ thi Cao đẳng - Đại học theo đề thi 3 chung tiếp tục theo đuổi việc học mọi lúc, mọi nơi. 

Đối với loại hình Đào tạo từ xa, trước đây Bộ GD&ĐT đã ban hành các Quyết định 40/2003, Thông tư 10/2017 ban hành các Quy chế Đào tạo từ xa trình độ đại học và hiện nay là Thông tư 28/2023 vừa có hiệu lực ngày 12.2.2024. Quy chế ĐTTX là cơ sở pháp lý để các Cơ sở đào tạo tổ chức thực hiện đào tạo một cách bài bản, chặt chẽ và đúng quy định. Thông tư 28/2023 đã mở ra những điều kiện thuận lợi đồng thời cũng đem đến những băn khoăn, trăn trở và thách thức cho các Đại học Vùng, đặc biệt là 3 cơ sở đào tạo từ xa có bề dày đào tạo uy tín như Viện ĐTM&CNTT –ĐHH, Trung tâm ĐT thường xuyên – ĐHĐN và Trung tâm ĐT từ xa – ĐH Thái Nguyên.

TS. Đỗ Thị Xuân Dung, Phó Giám đốc Đại học Huế phát biểu tại Hội thảo

Tại Hội thảo, đại diện 3 đơn vị Đào tạo từ xa đã trình bày các Báo cáo Tham luận đánh giá những thuận lợi, cơ hội và thách thức khó khăn khi thực hiện Thông tư 28/2023.

Thông tư 28/2023/TT-BGDĐT có 4 chương, 18 Điều gồm: những quy định chung, lập kế hoạch và tổ chức giảng dạy, đánh giá kết quả học tập và cấp văn bằng, tổ chức thực hiện. Đây là một văn bản quan trọng trong bối cảnh đổi mới giáo dục và có ý nghĩa quan trọng trong việc thúc đẩy sự phát triển và cải thiện chất lượng của giáo dục và đào tạo từ xa: Cung cấp các quy định và hướng dẫn cụ thể về việc triển khai chương trình đào tạo từ xa, giúp các cơ sở giáo dục hiểu rõ và thực hiện đúng quy định, từ đó tạo ra môi trường học tập từ xa chất lượng và hiệu quả; đề xuất các tiêu chuẩn và yêu cầu về chất lượng đào tạo từ xa, giúp đảm bảo rằng các chương trình học đáp ứng được các tiêu chí chất lượng, minh bạch và công bằng với các loại hình thức đào tạo khác; khuyến khích sự áp dụng và sử dụng công nghệ trong quá trình đào tạo từ xa, từ đó thúc đẩy sự phát triển và áp dụng các công nghệ mới trong lĩnh vực giáo dục trong thời kỳ công nghệ 4.0.

Chương trình đào tạo từ xa có thể mở ra cơ hội cho những người học ở các vùng xa, những người có hạn chế về thời gian hoặc về vị trí địa lý, từ đó tạo điều kiện cho sự đa dạng hóa trong giáo dục; giúp các cơ sở giáo dục nắm bắt cơ hội mới trong lĩnh vực đào tạo từ xa, như việc phát triển các chương trình học phù hợp với nhu cầu thị trường lao động và các xu hướng mới trong giáo dục... Các cơ sở đào tạo thực hiện đầy đủ các điều trong quy chế sẽ góp phần nâng cao chất lượng đào tạo, nâng cao uy tín, tin cậy về hình thức đào tạo từ xa cho người học và xã hội.

TS. Nguyễn Tương Tri, Phó Viện trưởng Viện Đào tạo mở và Công nghệ thông tin – ĐHH

trình bày báo cáo tham luận tại Hội thảo.

Bên cạnh đó, 3 Cơ sở đào tạo từ xa cũng nêu rõ những khó khăn, thách thức cho các đơn vị đào tạo từ xa thuộc Đại học Vùng như:Sử dụng giảng viên là nguồn lực chung của Đại học Vùng mà trên hệ thống Hemis của Bộ Giáo dục và Đào tạo cung cấp cho các trường trực thuộc Đại học Vùng mỗi đơn vị 1 tài khoản độc lập, các trường Đại học thành viên có các giảng viên cơ hữu và giảng viên thỉnh giảng riêng. Trong khi đó, đơn vị đào tạo chỉ có giảng viên thỉnh giảng và giảng viên hợp đồng, không có giảng viên cơ hữu. Do vậy khi nhập dữ liệu giảng viên giảng dạy cho đơn vị Đào tạo từ xa lên trên hệ thống Hemis bị báo lỗi kỹ thuật (ví dụ: trùng dữ liệu với Trường khác…), không nhập được. Việc xác định chỉ tiêu tuyển sinh ĐTTX cho năm 2024 đang gặp nhiều khó khăn. 

Ngoài ra, Thông tư còn quy định việc sinh viên hoàn thành những học phần Giáo dục quốc phòng - an ninh hoặc Giáo dục thể chất. Nội dung này sẽ làm cho đối tượng tuyển sinh của các Đơn vị tổ chức đào tạo từ xa sẽ bị thu hẹp lại, người học sẽ bị giảm cơ hội học tập vì việc tổ chức các học phần Giáo dục quốc phòng - an ninh, Giáo dục thể chất rất khó triển khai đối với hình thức đào tạo từ xa.

Quy định kiểm định chất lượng chương trình đào tạo từ xa cũng là vấn đề khó thực hiện nhất đối với đào tạo từ xa bởi tính đặc thù của hình thức đào tạo này. PGS. TS. Nguyễn Hữu Công, Phó Giám đốc Đại học Thái Nguyên, Giám đốc Trung tâm Đào tạo từ xa nêu quan điểm: “Các học Giáo dục quốc phòng - an ninh, Giáo dục thể chất cần phải thiết kế lại phương pháp giảng dạy hoặc cần công nhận các chứng chỉ này ở các Trung tâm (khoa) GDTC, GDQP&AN; chương trình đào tạo chính quy đã được kiểm định thì chương trình đào tạo từ xa lấy từ chương trình chính quy nên xem xét không cần kiểm định lại hoặc chỉ kiểm định những tiêu chuẩn liên quan đến hoạt động dạy, học và cơ sở hạ tầng công nghệ”.

PGS. TS. Nguyễn Hữu Công, Phó Giám đốc Đại học Thái Nguyên, Giám đốc Trung tâm

 Đào tạo từ xa nêu những trăn trở khi thực hiện Thông tư 28/2023

 

PGS.TS Lê Thành Bắc - Phó Giám đốc Đại học Đà Nẵng, Giám đốc Trung tâm Đào tạo thường xuyên - Đại học Đà Nẵng cũng thể hiện sự băn khoăn về vấn đề kiểm định chất lượng giáo dục ĐTTX. Bản thân thầy Bắc là Kiểm định viên đã từng làm kiểm định chất lượng ở nhiều nơi nhưng chưa thấy chương trình ĐTTX nào được kiểm định. Ông cho rằng, chương trình đào tạo từ xa được lấy từ chương trình đào tạo chính quy đã được kiểm định rồi thì không nhất thiết phải kiểm định lại gây khó khăn cho các đơn vị đào tạo như thiếu đội ngũ là giảng viên có thời gian giảng dạy và phải có chứng chỉ kiểm định viên mới được tham gia kiểm định... Để thực hiện kiểm định phải mất nhiều thời gian và tài chính.


PGS.TS Lê Thành Bắc - Phó Giám đốc Đại học Đà Nẵng, Giám đốc Trung tâm Đào tạo thường xuyên - Đại học Đà Nẵng phát biểu tại Hội thảo.

 

PGS.TS. Nguyễn Anh Dũng, Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học đã lắng nghe và chia sẻ những trăn trở, tâm tư, nguyện vọng của 3 Cơ sở đào tạo. Ông Dũng kết luận: Khi xây dựng Thông tư 28, Bộ GD&ĐT đã tham vấn rất nhiều chuyên gia và đều có chung kết luận rằng đào tạo từ xa là xu hướng tất yếu trong tương lai. Về vấn đề các trường đang gặp lỗi khi nhập dữ liệu giảng viên tham gia đào tạo từ xa lên hệ thống Hemis của Bộ Giáo dục và Đào tạo, chủ yếu là do các đơn vị hiểu chưa thấu đáo về việc nhập thông tin chỉ tiêu giảng dạy, dẫn đến hệ thống hiểu sai và báo lỗi kỹ thuật. “Chúng tôi đã yêu cầu đội ngũ kỹ thuật sẽ ra soát, hướng dẫn lại cho các thầy cô để đảm bảo mọi người hiểu thấu đáo hơn. Trong quá trình khai thác phần mềm Hemis sẽ có những cái chưa được như mong muốn, bất cập và chúng tôi vẫn đang tiếp tục hoàn thiện phần mềm này.”, ông Dũng nói. Về việc học viên hệ đào tạo từ xa cũng phải hoàn thành việc học giáo dục quốc phòng, giáo dục thể chất, ông Dũng nói rằng điều này được luật quy định rõ ràng và buộc phải thực hiện. “Các cơ sở đào tạo có thể ứng dụng công nghệ thông tin như VR, công nghệ trí tuệ nhân tào AI…để cùng làm việc với các trung tâm giáo dục quốc phòng, thể chất đào tạo cho học viên.”. Về vấn đề kiểm định chất lượng giáo dục – cần phải thực hiện điều kiện đảm bảo chất lượng giáo dụcvà vấn đề quan trọng là học liệu và đào tạo trực tuyến. Chương trình ĐTTX lấy từ chương trình của chính quy nhưng người dạy và nơi dạy khác nhau nên cần phải kiểm định./.

Dưới đây là một số hình ảnh tại Hội thảo:

TS. Bùi Văn Lợi, Phó Giám đốc Đại học Huế phát biểu tại Hội thảo


TS. Nguyễn Công Hào, Trưởng Ban Thanh tra và Pháp chế, Đại học Huế phát biểu tại Hội thảo 

TS. Trương Hữu Dũng, PGĐ Trung tâm ĐTTX-Đại học Thái Nguyên

 trình bày báo cáo tham luận tại Hội thảo

TS. Nguyễn Thanh Hội, Trưởng phòng Hành chính - Tổng hợp, Trung tâm đào tạo thường xuyên-Đại học Đà Nẵng trình bày báo cáo 

tham luận tại Hội thảo 

ThS. Nguyễn Thị Thu Hương, Phó Giám đốc Trung tâm Đào tạo Thường xuyên – Đại học Đà Nẵng phát biểu tại Hội thảo 


Toàn cảnh Hội thảo

 

Các đại biểu dự Hội thảo chụp ảnh lưu niệm

 

 

 

Nguồn: Như Hoa